Hầu hết mọi người đều nghĩ rằng mình bị cận thị khi tầm nhìn đột nhiên mờ dần. Vậy nên, khi được chẩn đoán là viễn thị, nhiều người tỏ ra khá bất ngờ và không hiểu nguyên nhân tại sao. Vậy, mắt bị viễn thị là gì, nguyên nhân và phương pháp điều trị ra sao? Bài viết dưới đây của Bệnh viện mắt Sài Gòn Biên Hòa sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc này.

Xem nhanh
1. Mắt viễn thị là gì?
Viễn thị là tật khúc xạ, xảy ra khi mắt mất khả năng nhìn rõ các vật ở gần nhưng vẫn nhìn vật ở khoảng cách xa bình thường. Tình trạng này được lý giải bởi hiện tượng ánh sáng qua mắt hội tụ phía sau võng mạc khiến ảnh của vật bị mờ, nhòe, thiếu sắc nét.

Ở trẻ sơ sinh, viễn thị là biểu hiện sinh lý, thường kéo dài đến khi trẻ 3 tuổi. Sau giai đoạn này, cấu trúc mắt của trẻ hoàn thiện và tình trạng viễn thị cũng dần biến mất. Một vài thống kê cho thấy, tỷ lệ trẻ 6 tuổi chiếm khoảng 8% và trẻ 15 tuổi chiếm 1% các trường hợp viễn thị [1]. Sau đó, tình trạng này phổ biến hơn ở giai đoạn 40 tuổi do các vấn đề về lão hóa.
Vậy, viễn thị có nguy hiểm không? Đáp án là: Có thể. Người bị viễn thị độ cao có thể bị giảm thị lực ở cà tầm nhìn gần và xa. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể đối diện với các biến chứng như: rối loạn phối hợp mắt, rối loạn khả năng điều tiết, nhược thị hoặc lác mắt nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
2. Nguyên nhân viễn thị
Nguyên nhân trực tiếp gây ra tật viễn thị xuất phát từ các bất thường trong cấu trúc mắt, thường gặp nhất là tình trạng trục nhãn cầu ngắn hơn bình thường, cứ giảm 1mm thì độ viễn sẽ tăng +3 diop. Ngoài ra, khi thủy tinh thể hoặc giác mạc phẳng hơn bình thường , bán kính độ cong tăng 1mm thì độ viễn sẽ tăng +6 diop. Các yếu tố có khả năng thúc đẩy tình trạng này bao gồm:
2.1. Di truyền
Một số gen quy định đặc điểm, hình dạng của các cấu trúc mắt được di truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Vậy nên, trẻ sinh ra trong gia đình có ông bà, bố mẹ bị viễn thị thì nguy cơ mắc tật khúc xạ này cũng cao hơn bình thường.
2.2. Lão hóa
Từ khoảng 40 tuổi, quá trình lão hóa diễn ra nhanh và mạnh hơn. Tình trạng này khiến các cơ ở khu vực mắt suy yếu, giảm khả năng đàn hồi để nâng đỡ và duy trì hình dạng của thủy tinh thể. Hệ quả là ánh sáng qua mắt hội tụ sai vị trí (phía sau võng mạc), gây ra chứng viễn thị tuổi tác (lão thị).

Viễn thị và lão thị là hai tình trạng hoàn toàn khác nhau. Tuy nhiên, hai vấn đề này thường xuất hiện cùng lúc ở người lớn tuổi khiến cho việc nhìn gần trở nên khó khăn hơn. Ngoài ra, các chỉ định điều trị của viễn thị và lão thị cũng khác biệt nhất định. Vậy nên, bạn cần đến cơ sở y tế chuyên khoa để được bác sĩ thăm khám và tư vấn điều trị phù hợp.
2.3. Bệnh lý
Viễn thị có thể là hệ quả của một số bệnh lý khác trong cơ thể, thường gặp như:
- Tiểu đường: Làm thay đổi áp suất thẩm thấu làm thay đổi hình dạng thủy tinh thể. Bên cạnh đó, đường huyết cao có thể gây tổn thương mạch máu nhỏ gây ra bệnh võng mạc tiểu đường và làm giảm thị lực.
- Đục thủy tinh thể vỏ não: Xảy ra khi các protein trong thủy tinh thể bị vón cục, khiến thủy tinh thể bị biến dạng và mất đi độ trong. Hệ quả là ánh sáng khúc xạ qua thủy tinh thể bị chệch hướng và gây ra chứng viễn thị.
Một số bệnh lý bẩm sinh hiếm gặp khác như: mất thủy tinh thể, u não, hội chứng Kenny, hội chứng Loeys – Dietz, Leber,… cũng có thể gây ra viễn thị. Bên cạnh đó, tật khúc xạ này còn có thể xảy ra ở những bệnh nhân có các vấn đề về vận động chức năng mắt như: liệt vận nhãn trong, liệt dây thần kinh số III,…
2.3. Tác động từ môi trường
Viễn thị có thể xuất hiện sau các chấn thương ở vùng mắt, hoặc sai sót trong quá trình phẫu thuật khiến thấu kính nội nhãn (IOL) bị lệch về phía sau. Một số trường hợp phẫu thuật điều trị cận thị quá mức làm biến dạng thủy tinh thể cũng có thể trở thành nguyên nhân gây ra tật khúc xạ này.
3. Triệu chứng của viễn thị
Biểu hiện của viễn thị ở mỗi người là khác nhau tùy thuộc vào độ viễn. Dưới đây là một số triệu chứng điển hình:
- Khó nhìn rõ các vật ở khoảng cách gần. Nếu dịch chuyển vật dần ra xa, tầm nhìn cũng được cải thiện theo. Tuy nhìn rõ hơn khi ở xa nhưng người bệnh vẫn gặp khó khăn trong nhận thức chiều sâu.
- Thường xuyên cảm thấy mỏi mắt, nóng ran mắt, đau nhức phía trong hoặc xung quanh mắt do phải điều tiết quá mức để bù đắp thị lực.
- Đau đầu vùng trán hoặc vùng thái dương do mắt tăng áp lực và thần kinh thị giác liên tục rơi vào trạng thái căng thẳng.
- Triệu chứng nhìn mờ có xu hướng rõ rệt hơn khi làm việc với các vật ở khoảng cách gần, nhất là trong không gian tối.

Việc chẩn đoán viễn thị không chỉ dựa trên triệu chứng lâm sàng. Vậy nên, ngay cả khi có đầy đủ các dấu hiệu trên, bạn cũng không nên tự kết luận hay điều trị. Thay vào đó, bạn hãy đến cơ sở y tế chuyên khoa để được bác sĩ thăm khám và lập phác đồ phù hợp với tình trạng của mình.
4. Cách phòng tránh tật viễn thị hiệu quả
Ngoại trừ viễn thị bẩm sinh, mọi người hoàn toàn có thể phòng tránh tật khúc xạ này thông qua các biện pháp như:
- Áp dụng các biện pháp che chắn, bảo vệ mắt như đeo kính râm, đội mũ,… khi ra ngoài trời để giảm tác động của tia UV, hạn chế tốc độ lão hóa mắt.
- Sử dụng đầy đủ thiết bị bảo hộ khi làm việc trong khu vực độc hại, chơi thể thao,… để giảm nguy cơ chấn thương vùng mắt.
- Tăng cường bổ sung thực phẩm chứa dưỡng chất có lợi như: omega 3, lutein, zeaxanthin, astaxanthin,… giúp bảo vệ và hỗ trợ phòng ngừa các bệnh về mắt.
- Tập thể dục thường xuyên giúp phòng ngừa các bệnh chuyển hóa mãn tính như tiểu đường, tim mạch, mỡ máu,.. từ đó tránh được các biến chứng nghiêm trọng lên mắt.
- Giải phóng thị lực khoảng 20 phút làm việc ở khoảng cách gần bằng cách thả lỏng cơ thể và nhìn vào những vật ở xa trong bán kính 6m.
- Khám sức khỏe định kỳ khoảng 6 tháng đến 1 năm/ lần ngay cả khi thị lực của bạn vẫn ổn định. Điều này giúp phát hiện và xử lý các bất thường ở mắt ngay từ sớm, tăng hiệu quả điều trị.
5. Điều trị viễn thị như thế nào?
Mục tiêu của điều trị viễn thị là điều chỉnh vị trí hội tụ của ánh sáng lên đúng võng mạc, đưa thị lực về ngưỡng bình thường. Tùy vào tình trạng sức khỏe và độ viễn thị mà bác sĩ có thể lựa chọn một số biện pháp sau đây:
5.1. Đeo kính
Đeo kính là biện pháp điều trị viễn thị dễ thực hiện, tiết kiệm chi phí và phù hợp với hầu hết mọi đối tượng. Thông qua thấu kính, đường đi của ánh sáng sẽ được điều chỉnh hội tụ về đúng vị trí trên võng mạc, giúp hình ảnh của vật trở nên rõ nét. Những loại kính đường dùng gồm:
- Kính gọng thường: Là loại kính thông dụng nhất bởi khả năng cải thiện thị lực tốt, chi phí rẻ. Tuy nhiên, loại kính này không có tác dụng ngăn viễn thị tiến triển.
- Kính áp tròng thường: Thường được lựa chọn khi người dùng không tự tin với việc đeo kính gọng thường. Loại kính này cũng điều chỉnh thị lực tốt, tuy nhiên không ngăn viễn thị tiến triển và gây nguy cơ kích ứng, khó chịu ở mắt cao hơn.
- Kính áp tròng Ortho-K: Là loại kính áp tròng chỉ đeo vào ban đêm nhằm điều chỉnh hình dạng của giác mạc, qua đó điều chỉnh thị lực và ngăn viễn thị tiến triển. Loại kính này cũng ít gây kích ứng hơn so với kính áp tròng thông thường.
5.2. Phẫu thuật khúc xạ mắt
Phẫu thuật khúc xạ mắt là biện pháp điều trị viễn thị được nhiều người lựa chọn trong thời gian gần đây bởi hiệu quả ổn định trong thời gian dài. Tuy nhiên, biện pháp này chỉ có thể thực hiện cho những trường hợp đáp ứng đủ điều kiện sau:
- Người trong độ tuổi từ 18 – 40 tuổi
- Mức độ viễn thị từ nhẹ đến trung bình, khoảng +1.00 diop đến +10.00 diop
- Độ viễn thị ổn định, không tăng quá 0.5 độ/ năm
- Không mang thai hoặc cho con bú và không mắc các bệnh lý về mắt.

Hiện nay có nhiều phương pháp phẫu thuật viễn thị đã được thực hiện thành công. Tùy vào điều kiện thực tế mà người bệnh có thể lựa chọn các biện pháp như:
- Femto Pro: Phù hợp với những người viễn thị không quá + 6 diop. Ưu điểm của phương pháp này là tạo ra vạt cắt mịn nên ít gây viêm và nhanh lành thương hơn. Ngoài ra, thao tác lập trình trên máy có độ chính xác cao, thời gian thực hiện nhanh, thường kéo dài khoảng 20 phút. Đây cũng là phương pháp tối ưu về hiệu quả và chi phí hàng đầu hiện nay.
- SmartSurfACE: Là phương pháp điều trị viễn thị không chạm, không vạt nên rất an toàn, không có nguy cơ biến chứng vạt. Phương pháp này thường được chỉ định cho người có giác mạc mỏng hoặc bất thường, không phù hợp với các phương pháp khác.
- Mổ mắt Phakic: Thực hiện thông bằng cách phẫu thuật và đặt thấu kính trong mắt để cải thiện thị lực. Có hai loại thấu kính là: ICL và IPCL, trong đó IPCL cho hiệu quả tốt hơn bởi có nhiều lỗ thoát khí, giảm nguy cơ bị cườm hoặc tăng nhãn áp sau điều trị. Phương pháp này có thể áp dụng cho những người bị viễn thị độ cao ( +15 diop), giác mạc mỏng và không thể điều trị bằng các phương pháp khác.
Việc lựa chọn đúng phương pháp giúp không chỉ giúp đem lại hiệu quả tối đa, giảm nguy cơ biến chứng mà còn tối ưu được chi phí điều trị. Vậy nên, bạn nên lựa chọn những cơ sở y tế chuyên khoa uy tín để được thăm khám và tư vấn. Tại Đồng Nai, người bệnh có thể khám viễn thị tại bệnh viện mắt Sài Gòn Biên Hòa – Trung tâm nhãn khoa hàng đầu trong khu vực.
Bệnh viện mắt Sài Gòn Biên Hòa triển khai đầy đủ các biện pháp điều trị viễn thị, bao gồm cả những phương pháp hiện đại nhất hiện nay như: kính tròng Essilor, Ortho – K, Femto Pro, Phakic IPCL,… Đến bệnh viện, người bệnh được hướng dẫn thủ tục thăm khám nhanh chóng, dịch vụ tư vấn và hỗ trợ tận tình của đội ngũ nhân viên y tế.
Trên đây là nội dung tổng quan của Bệnh viện mắt Sài Gòn Biên Hòa về tật viễn thị. Mong rằng bài viết đã giúp bạn đọc có thêm thông tin hữu ích khi tìm hiểu về viễn thị. Nếu cần tư vấn thêm, bạn có thể liên hệ trực tiếp với bệnh viện qua Hotline: 0846 403 403.
Nếu bạn đang tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề liên quan đến tật khúc xạ, các bệnh lý về mắt hay muốn được tư vấn và đặt lịch khám cùng đội ngũ bác sĩ nhãn khoa giàu kinh nghiệm, vui lòng liên hệ với chúng tôi:
BỆNH VIỆN MẮT SÀI GÒN BIÊN HÒA
- Hotline: 0846 403 403
- Địa chỉ: 1403 Nguyễn Ái Quốc, Khu Phố 11, Phường Tam Hiệp, Tỉnh Đồng Nai
1. https://pmc.ncbi.nlm.nih.gov/articles/PMC4391667/