Hệ thống
bệnh viện
Hotline
0846 403 403
Chat
Messenger
Ưu đãi
Thời gian làm việc
Thứ Hai – Thứ Bảy: 7:00 – 16:30

Phẫu thuật mộng thịt (Pterygium) hay được dân gian gọi là mây thịt

1. Mộng thịt (mây thịt) là gì?

Mộng thịt (Pterygium) hay được dân gian gọi là mây thịt, là tình trạng khối thịt hình cánh hoặc hình tam giác của kết mạc bò theo khe mi góc trong hoặc khe mi góc ngoài vào diện đồng tử. Mộng thịt có thể xuất hiện ở một hoặc cả hai mắt của bạn. Khi xuất hiện cùng một lúc được gọi là mộng thịt hai bên.

Mộng thịt là gì

2. Mộng thịt (mây thịt) nếu không được điều trị sẽ biến chứng như thế nào?

Mộng thịt (Pterygium) thường được thấy với khối tổ chức liên kết tại kết mạc nhãn cầu (tròng trắng), ở hai góc mắt, bên trong hoặc ngoài hoặc cả ở hai bên. Mộng thịt có 2 phần: Phần đầu mộng dính và phần phủ lên giác mạc (tròng đen). Thân mộng thịt với hình nón quạt di động trên củng mạc mắt.

Thời gian đầu, mộng thịt xuất hiện ở góc mắt, chưa gây ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt của người bệnh. Nhưng theo thời gian, mộng thịt sẽ xâm lấn nhiều hơn vào giác mạc và có thể che kín dần đồng tử (hay con ngươi). Bắt đầu xuất hiện các triệu chứng như mờ mắt, hình ảnh bị xô lệch, nhức mắt làm suy giảm thị lực đáng kể.

Tùy theo cơ địa mỗi người và môi trường tiếp xúc, tiến độ xâm lấn của mộng thịt sẽ khác nhau. Nếu không kịp thời phẫu thuật điều trị sẽ gây biến chứng như loạn thị, viêm loét giác mạc, dính mi cầu, thậm chí là mất thị lực vĩnh viễn.

3. Nguyên nhân gây ra mộng thịt (mây thịt)

Hiện nay vẫn chưa có nghiên cứu chính thức nào về nguyên nhân chính xác gây ra bệnh mộng thịt. Theo quan sát từ bệnh nhân đến điều trị mộng thịt tại Bệnh viện Mắt Sài Gòn Biên Hoà, chúng tôi chia ra thành các nhóm đối tượng sau có khả năng mắc mộng thịt cao:

  • Những người giành nhiều thời gian ở ngoài trời. Thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, gió, cát mà không có kính bảo vệ mắt.
  • Những người ở tuổi trung niên trở lên: Từ 45 tuổi đến 80 tuổi.
  • Do di truyền.

4. Triệu chứng của mộng thịt

Giai đoạn tiến triển nặng: Người bệnh sẽ dễ dàng quan sát được phần khối thịt trong mắt và thị lực giảm.

Giai đoạn đầu: Người bệnh đỏ mắt, ngứa mắt, khô mắt, cộm, xốn, chảy nước mắt, nhìn mờ.

mổ mộng mắt

5. Đối tượng nào được chỉ định phẫu thuật mộng thịt

Người bị mộng thịt từ cấp độ 2 (mộng thịt lan đến giữa rìa giác mạc và bờ đồng tử) trở lên.

Không bị tăng nhãn áp bất thường.

Tình trạng nội khoa ổn định (đường huyết, huyết áp, tim mạch,…).

Không mắc các tình trạng hay bệnh lý viêm nhiễm ở mắt.

6. Phương pháp phẫu thuật mộng thịt

Các phương pháp phẫu thuật mộng thịt đơn thuần trước đây thường có tỷ lệ tái phát khá cao (từ khoảng 40% – 60%). Nên thường chỉ áp dụng với tình trạng mộng thịt lớn gây suy giảm thị lực nhiều hoặc có biến chứng mới được chỉ định mổ.

Ngày nay, phương pháp cắt mộng ghép kết mạc tự thân được nhiều bác sĩ lựa chọn, và đang được áp dụng tại Bệnh viện Mắt Sài Gòn Biên Hoà bởi sự hiệu quả mà nó mang lại.

Phẫu thuật ghép kết mạc tự thân là một phương pháp của ghép bề mặt ngoài nhãn cầu từ một mảnh kết mạc rời lấy từ kết mạc nhãn cầu ở phía thái dương trên.

Phẫu thuật này là phương pháp tối ưu nhất trong điều trị mộng thịt hiện nay với nhiều ưu điểm như: hạn chế đau trong quá trình phẫu thuật, tỉ lệ tái phát thấp (<1%), mắt hồi phục nhanh, đảm bảo thẩm mỹ sau phẫu thuật.

7. Các bước phẫu thuật cắt mộng ghép kết mạc tự thân

  1. Bác sĩ sẽ đặt vành mi bộc lộ nhãn cầu cho bệnh nhân. Sau đó tiến hành cắt kết mạc dọc 2 bên thân mộng đến phần tổ chức kết mạc lành cạnh thân mộng.
  2. Tách mộng thịt ra khỏi củng mạc (tròng trắng) và lột sạch khỏi giác mạc (tròng đen), để lại một vùng củng mạc trần và giác mạc trần.
  3. Cắt một mảnh kết mạc nhãn cầu ghép vào đúng vị trí củng mạc trần và giác mạc trần. Cuối cùng là bước khâu mảnh ghép kết mạc. Hai mũi ở đầu mảnh ghép sát phần rìa còn 2 mũi đầu mảnh ghép xa rìa để mảnh ghép áp sát vào mặt củng mạc. Đồng thời, nối tiếp với kết mạc của thân mộng.

8. Chăm sóc mắt sau phẫu thuật mộng thịt

Sau phẫu thuật mộng thịt, người bệnh cần được nghỉ ngơi và tuân thủ các hướng dẫn của bác sĩ và nhân viên y tế để giúp hồi phục tốt, tránh biến chứng sau mổ. Chăm sóc mắt cẩn thận ít nhất 1 tuần hoặc kéo dài 1 tháng sau phẫu thuật:

  • Dùng thuốc và nhỏ mắt đúng chỉ định và lời dặn của bác sĩ.
  • Tái khám theo lịch hẹn hoặc khi xuất hiện các triệu chứng bất thường như sưng phù, đau nhức, chảy dịch,…
  • Hạn chế đồ ăn có chứa nếp, thịt gà, thịt bò, hải sản, rau muống bởi dễ gây kích ứng, khiến vết thương bị nhiễm trùng.
  • Hạn chế va chạm vùng mắt, không dụi mắt mạnh.
  • Hạn chế làm việc quá sức, việc nặng.
  • Không cho nước hoặc xà phòng rơi vào mắt.
  • Hạn tiếp xúc trực tiếp với khói bụi, môi trường ô nhiễm.
  • Nên đeo kính bảo hộ thường xuyên kể khi ngủ.

9. Một số lưu ý khi phẫu thuật mộng thịt

  • Việc hồi phục nhanh hay chậm sẽ phụ thuộc vào tình trạng trước đó của mộng thịt, mộng càng lớn sẽ cần nhiều thời gian hồi phục hơn. Một số trường hợp sẽ gặp tình trạng cộm mắt và sẽ giảm dần đi trong khoảng 1 tuần.
  • Hiện tượng đỏ mắt sẽ có thể kéo dài hơn 1 tháng sau mổ. Đa số bệnh nhân có thể trở lại sinh hoạt bình thường sau khoảng 1 – 2 tuần.
  • Mộng thịt vẫn có nguy cơ tái khởi phát, dù tỉ lệ thấp. Người bệnh vẫn nên duy trì tái khám 6 tháng/lần để kiểm soát tình trạng bệnh lý của mắt.