Ngứa hốc mắt là tình trạng phổ biến, thường chỉ là một phản ứng thoáng qua không nguy hiểm, nhưng cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo của một bệnh lý về mắt. Vậy nguyên nhân ngứa hốc mắt là gì và làm thế nào để xử lý hiệu quả? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này, đồng thời giới thiệu những mẹo chữa ngứa khóe mắt đơn giản, hiệu quả từ chuyên gia tại Mắt Sài Gòn Biên Hòa.

Xem nhanh
1. Ngứa khóe mắt là bệnh gì?
Ngứa khóe mắt (nhiều người còn gọi là ngứa hốc mắt, ngứa lỗ ghèn) thường là một tình trạng sinh lý bình thường không gây nguy hiểm. Đây không phải là một bệnh mà chỉ là một triệu chứng báo hiệu rằng vùng mắt của bạn đang gặp phải một sự kích ứng hoặc một vấn đề nào đó.
Tuy nhiên, nếu ngứa kéo dài, kèm theo các triệu chứng như đỏ mắt, sưng, chảy nước mắt hoặc đau rát, đây có thể là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh lý về mắt cần được quan tâm và điều trị kịp thời.

2. Nguyên nhân ngứa hốc mắt
2.1. Dị ứng
Đây là nguyên nhân ngứa hốc mắt hàng đầu. Khi mắt tiếp xúc với các chất gây dị ứng (dị nguyên) như phấn hoa, lông thú cưng, bụi bẩn, nấm mốc, hoặc một số hóa chất trong mỹ phẩm, hệ miễn dịch của cơ thể sẽ phản ứng lại bằng cách giải phóng histamin.
Khi dị ứng, ngoài mắt bị ngứa lỗ ghèn dữ dội, bạn sẽ cảm thấy các triệu chứng kèm theo như chảy nước mắt, lòng trắng có thể đỏ lên, hoặc các triệu chứng dị ứng khác như hắt hơi, sổ mũi, ngứa mũi, nổi mề đay.
2.2. Viêm bờ mi
Mí mắt của bạn giống như một vùng đất nhỏ nơi lông mi mọc lên. Viêm bờ mi chính là tình trạng vùng đất này bị viêm nhiễm, đây là một trong những thủ phạm hàng đầu gây ngứa lỗ ghèn (khóe mắt) dai dẳng và khó chịu.
Khi viêm nhiễm xảy ra ngay tại chân lông mi, nơi có các tuyến dầu nhỏ bị tắc nghẽn hoặc nhiễm khuẩn, bờ mi sẽ bị sưng đỏ, ngứa, có cảm giác cộm như có cát trong mắt và thường xuất hiện vảy gàu nhỏ li ti ở chân lông mi. Cảm giác ngứa thường tập trung ở khu vực khóe mắt và dọc theo mi mắt.

2.3. Rối loạn chức năng tuyến Meibomian (MGD)
Nước mắt không chỉ đơn thuần là nước, để giữ cho đôi mắt luôn ẩm mượt, chúng ta cần một lớp màng nước mắt hoàn hảo gồm 3 lớp: lớp nhầy, lớp nước và lớp dầu. Trong đó, lớp dầu ở ngoài cùng đóng một vai trò cực kỳ quan trọng, giúp ngăn chặn lớp nước bên dưới bay hơi quá nhanh.
Rối loạn chức năng tuyến Meibomian (MGD) xảy ra khi các tuyến nhỏ (tuyến Meibomian) nằm ở sụn mi không sản xuất đủ lượng dầu cần thiết hoặc chất lượng dầu kém. Khi đó, lớp dầu bảo vệ sẽ thiếu hụt, khiến nước mắt bay hơi nhanh, gây khô mắt và kích ứng, dẫn đến ngứa hốc mắt
2.4. Khô mắt
Bề mặt mắt bị khô sẽ dẫn đến kích ứng và gây ra cảm giác ngứa hốc mắt, nóng rát và mỏi mắt. Nguyên nhân là do tuyến lệ của bạn không sản xuất đủ lượng nước mắt cần thiết để duy trì độ ẩm.
Tình trạng này thường gặp ở người lớn tuổi, người sử dụng một số loại thuốc (thuốc kháng histamine, thuốc tránh thai…) hoặc người mắc các bệnh tự miễn như hội chứng Sjogren, lupus.
2.5. Viêm túi lệ
Túi lệ là một túi nhỏ nằm ở góc trong của mắt, nơi nước mắt chảy vào trước khi xuống mũi. Khi ống lệ bị tắc nghẽn, nước mắt không thể lưu thông bình thường xuống mũi mà bị ứ đọng lại trong túi lệ, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển gây viêm nhiễm, khiến khóe mắt bị ngứa, sưng đau, chảy nước mắt, thậm chí là bị sốt.
2.6. Viêm kết mạc (Đau mắt đỏ)
Viêm kết mạc là tình trạng viêm lớp màng trong suốt bao phủ lòng trắng và lót bên trong mi mắt. Nguyên nhân có thể do virus, vi khuẩn hoặc dị ứng. Triệu chứng đặc trưng bao gồm mắt đỏ, ngứa mắt bao gồm cả hốc mắt, cộm, chảy ghèn (màu vàng, xanh nếu do vi khuẩn) hoặc chảy nước mắt trong (nếu do virus, dị ứng).

2.7. Dị vật trong mắt
Một hạt bụi, sợi lông mi bị kẹt ở hốc mắt có thể làm tắc ống dẫn nước mắt tạm thời, gây ra cảm giác ngứa hốc mắt và cộm dữ dội. Lúc này, cơ thể sẽ phản ứng bằng cách chớp mắt liên tục và tiết nước mắt để cố gắng đẩy dị vật ra ngoài.
2.8. Sử dụng kính áp tròng
Việc đeo kính áp tròng không đúng cách, đeo quá thời gian quy định, vệ sinh kính không sạch sẽ hoặc dị ứng với chất liệu kính/dung dịch ngâm rửa có thể gây kích ứng, thiếu oxy cho giác mạc và dẫn đến đỏ và ngứa ở khóe mắt.
3. Mẹo chữa ngứa khóe mắt tại nhà
Đối với các trường hợp ngứa nhẹ do kích ứng thông thường, bạn có thể áp dụng một số biện pháp sau để làm dịu cơn ngứa:
Chườm lạnh
Dùng một chiếc khăn sạch nhúng vào nước mát (hoặc bọc vài viên đá) và nhẹ nhàng đặt lên mắt trong khoảng 5-10 phút. Nhiệt độ thấp giúp co mạch máu, giảm giải phóng histamin và làm dịu cơn ngứa do dị ứng hiệu quả.
Chườm ấm
Nếu ngứa 2 hốc mắt do viêm bờ mi hoặc tắc tuyến Meibomian, chườm ấm sẽ hiệu quả hơn. Hơi ấm giúp làm loãng dịch dầu bị tắc, khai thông tuyến mi và giảm kích ứng.
Sử dụng nước mắt nhân tạo
Các loại nước mắt nhân tạo không kê đơn có thể giúp rửa trôi các chất gây dị ứng, bụi bẩn và cung cấp độ ẩm cho mắt bị khô, từ đó giảm cảm giác ngứa.
Massage mí mắt nhẹ nhàng
Sau khi chườm ấm, bạn có thể dùng đầu ngón tay sạch massage nhẹ nhàng theo chiều dọc mí mắt (hướng về phía lông mi) để hỗ trợ đẩy dịch dầu bị tắc ra ngoài.
Đeo kính bảo vệ
Khi ra ngoài, hãy đeo kính râm hoặc kính bảo hộ để ngăn bụi bẩn, phấn hoa và các dị nguyên khác tiếp xúc trực tiếp với mắt.

4. Khi nào cần đến gặp bác sĩ?
Các biện pháp tại nhà chỉ mang tính tạm thời. Bạn nên đến gặp bác sĩ nhãn khoa ngay lập-tức nếu cơn ngứa đi kèm với các triệu chứng nghiêm trọng sau:
- Đau nhức dữ dội trong mắt.
- Thị lực giảm sút, nhìn mờ.
- Mắt sưng to, đỏ rực.
- Chảy nhiều dịch mủ màu vàng hoặc xanh.
- Nhạy cảm bất thường với ánh sáng.
- Cảm giác có dị vật trong mắt nhưng không thể lấy ra.
- Các triệu chứng không cải thiện sau vài ngày tự chăm sóc.
5. Một số câu hỏi thường gặp
5.1. Tại sao càng dụi mắt càng ngứa?
Khi bạn dụi mắt, hành động này kích thích các tế bào mast ở kết mạc giải phóng thêm histamin – thủ phạm gây ngứa hốc mắt. Vì vậy, dụi mắt tạo ra một vòng luẩn quẩn: bạn dụi vì ngứa, và việc dụi lại làm bạn ngứa hơn. Chưa kể, dụi mắt còn có thể làm trầy xước giác mạc và đưa thêm vi khuẩn vào mắt.
5.2. Ngứa lỗ ghèn có sao không?
Ngứa lỗ ghèn thường không quá nguy hiểm, có thể do dị ứng hoặc khô mắt nhẹ. Tuy nhiên, nếu đi kèm sưng, đau và chảy mủ, đó có thể là dấu hiệu của viêm túi lệ, một tình trạng nhiễm trùng cần được điều trị y tế.
5.3. Tại sao ngứa khóe mắt lại hay chảy nước mắt?
Đây là một phản xạ tự nhiên của cơ thể. Khi mắt bị kích ứng gây ngứa (do dị ứng, khô mắt, dị vật), cơ thể sẽ tự động tăng tiết nước mắt để cố gắng rửa trôi tác nhân gây khó chịu và làm dịu bề mặt mắt.
Tóm lại, có rất nhiều nguyên nhân ngứa hốc mắt, từ những kích ứng đơn giản đến các bệnh lý phức tạp hơn. Việc xác định đúng nguyên nhân là chìa khóa để điều trị hiệu quả. Mặc dù các biện pháp chăm sóc tại nhà có thể làm dịu triệu chứng tạm thời, nhưng việc thăm khám chuyên khoa là vô cùng cần thiết nếu tình trạng ngứa 2 hốc mắt kéo dài hoặc đi kèm các triệu chứng nghiêm trọng.