Loạn thị 1 bên mắt là gì? Đây là thắc mắc của không ít người khi gặp phải các vấn đề về thị lực nhưng chỉ xảy ra ở một bên mắt. Tình trạng này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng nhìn nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Trong bài viết này, Bệnh viện Mắt Sài Gòn Biên Hoà sẽ giúp bạn tìm hiểu loạn thị một bên mắt là gì, dấu hiệu nhận biết cũng như các phương pháp điều trị hiệu quả.

Xem nhanh
1. Hiểu rõ về loạn thị 1 bên mắt? Phân loại theo mức độ
Loạn thị một bên mắt là tình trạng chỉ một mắt bị loạn thị trong khi mắt còn lại có thị lực bình thường hoặc ít bị ảnh hưởng.
Hiện tượng này một dạng rối loạn khúc xạ không đồng đều, trong đó hình ảnh đi vào mắt bị loạn không hội tụ tại một điểm trên võng mạc như bình thường mà bị phân tán thành nhiều tiêu điểm, khiến người bệnh nhìn mờ, méo mó ở mọi khoảng cách.
Tình trạng này có thể xuất hiện ngay từ nhỏ (bẩm sinh) hoặc hình thành sau chấn thương, phẫu thuật hoặc do tật khúc xạ tiến triển. Loạn thị một bên nếu không được phát hiện và điều chỉnh sớm có thể dẫn đến hiện tượng nhược thị.
Về cơ bản, loạn thị một bên có thể chia thành 3 mức độ dựa trên chỉ số độ loạn (diop):
- Mức độ nhẹ (dưới 1.0 diop): Hầu như không gây ảnh hưởng đến thị lực đáng kể. Người bệnh vẫn có thể sinh hoạt, học tập và làm việc bình thường.
- Mức độ trung bình (1.0 – 2.0 diop): Bắt đầu gây khó chịu với các biểu hiện như nhìn mờ, méo chữ, nhức mắt sau khi tập trung nhìn lâu, dễ mỏi mắt, đau đầu.
- Mức độ nặng (trên 2.0 – 3.0 diop trở lên): Gây suy giảm thị lực rõ rệt. Nếu kéo dài mà không được can thiệp có thể dẫn đến nhược thị, đặc biệt ở trẻ nhỏ trong giai đoạn phát triển thị giác.

2. Nguyên nhân chính dẫn đến loạn thị 1 bên
Hiện tượng loạn thị 1 bên mắt thường bắt nguồn từ sự bất thường về hình dạng hoặc cấu trúc của giác mạc hoặc thủy tinh thể ở 1 bên mắt. Khi bề mặt giác mạc không đều hoặc có độ cong không đồng đều, tia sáng sẽ bị khúc xạ sai lệch, dẫn đến ảnh mờ hoặc méo mó.
Dưới đây là các nguyên nhân cụ thể và thường gặp nhất:
Bất thường bẩm sinh
Nhiều trường hợp loạn thị 1 bên mắt xuất hiện ngay từ khi sinh ra. Những bất thường nhỏ này có thể không được phát hiện sớm nếu không được khám mắt định kỳ, đặc biệt ở trẻ nhỏ – đối tượng chưa có khả năng diễn đạt rõ ràng về thị lực.
Yếu tố di truyền
Loạn thị cũng có thể là do di truyền. Nếu trong gia đình có người thân mắc tật khúc xạ (cận, viễn, loạn), thì nguy cơ mắc loạn thị ở con cái sẽ tăng. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là loạn thị do di truyền không phải lúc nào cũng ảnh hưởng đến cả hai mắt – có trường hợp chỉ ảnh hưởng đến một bên.
Tổn thương hoặc sẹo giác mạc
Các chấn thương như trầy xước giác mạc, dị vật đâm vào mắt, bỏng mắt do hóa chất, hay hậu phẫu thuật mắt đều có thể để lại sẹo. Những vết sẹo này sẽ làm biến dạng bề mặt giác mạc, dẫn đến khúc xạ ánh sáng bất thường, gây loạn thị – thường là chỉ ở bên mắt bị tổn thương.
Viêm nhiễm giác mạc
Các bệnh lý như viêm giác mạc do vi khuẩn, virus, nấm hoặc ký sinh trùng (đặc biệt là Acanthamoeba) có thể làm tổn thương lớp bề mặt giác mạc. Nếu không được điều trị kịp thời, những tổn thương này có thể dẫn đến loạn thị do thay đổi hình dạng giác mạc ở một mắt.
Giác mạc hình chóp (Keratoconus)
Đây là một bệnh lý khiến giác mạc mỏng dần và phình ra thành hình nón. Khi chỉ mới ảnh hưởng đến một mắt (giai đoạn đầu), nó có thể gây loạn thị không đều một bên mắt. Nếu không theo dõi và kiểm soát kịp thời, bệnh có thể tiến triển và ảnh hưởng đến cả hai mắt.
3. Các biểu hiện loạn thị 1 bên thường gặp nhất
Dù các dấu hiệu ban đầu thường khó phân biệt và dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Tuy nhiên, nếu chú ý kỹ, người bệnh hoàn toàn có thể nhận biết được những dấu hiệu đặc trưng dưới đây:
Tầm nhìn không đồng đều giữa hai mắt
Dấu hiệu rõ rệt nhất là sự chênh lệch trong khả năng nhìn giữa hai mắt. Một bên mắt nhìn rõ ràng, sắc nét, trong khi bên còn lại thường bị mờ, méo mó hoặc biến dạng hình ảnh, dù quan sát ở cự ly gần hay xa. Tình trạng này khiến cho não bộ phải liên tục điều chỉnh để xử lý sự khác biệt, gây cảm giác khó chịu khi tập trung.
Nhìn vật bị nhòe, méo mó hoặc nhân đôi
Người bị loạn thị một bên mắt có thể thấy vật thể như bị kéo giãn, lệch hình, hoặc xuất hiện 2 – 3 bóng mờ quanh vật thể (hiện tượng nhìn đôi).
Những hình ảnh bị biến dạng này thường rõ rệt hơn khi nhìn trong điều kiện ánh sáng yếu hoặc khi mắt phải hoạt động tập trung trong thời gian dài (như đọc sách, dùng máy tính).

Tự kiểm tra đơn giản tại nhà
Một cách đơn giản để phát hiện loạn thị một bên mắt là thực hiện bài test che mắt. Bạn có thể dùng tay che bên mắt nhìn rõ hơn, sau đó dùng bên mắt còn lại để nhìn cố định vào một vật thể.
Hãy thử điều chỉnh khoảng cách, đưa vật ra xa hoặc lại gần. Nếu hình ảnh nhìn thấy vẫn mờ, méo, không rõ nét ở mọi khoảng cách, rất có thể bạn đang có dấu hiệu của loạn thị ở bên mắt đó.
Mỏi mắt và đau đầu không rõ nguyên nhân
Sự mất cân bằng thị lực giữa hai mắt buộc hệ thần kinh thị giác phải làm việc nhiều hơn để duy trì khả năng nhìn tổng thể. Kết quả là người bệnh thường xuyên bị mỏi mắt, đau đầu âm ỉ, đặc biệt ở vùng trán hoặc quanh hốc mắt. Tình trạng này càng rõ rệt khi bạn làm việc với thiết bị điện tử hoặc đọc sách trong thời gian dài.
4. Loạn thị 1 bên có chữa được không?
Loạn thị một bên mắt hoàn toàn có thể được kiểm soát và điều chỉnh bằng nhiều phương pháp khác nhau, tùy thuộc vào mức độ loạn thị và tình trạng giác mạc của từng bệnh nhân.
Phương pháp hỗ trợ kiểm soát độ loạn thị
▪ Đeo kính
Sử dụng kính gọn giải pháp truyền thống và phổ biến nhất, phù hợp cho cả người lớn và trẻ em bị loạn thị một bên. Bác sĩ sẽ đo chính xác độ loạn để làm kính đúng số, giúp mắt nhìn rõ nét hơn và hạn chế tình trạng mỏi mắt. Kính áp tròng mềm cũng là một lựa chọn thay thế cho kính gọng, mang lại tính thẩm mỹ cao hơn và linh hoạt trong sinh hoạt.
▪ Sử dụng kính Ortho K
Kính Ortho K là loại kính áp tròng cứng, được thiết kế đặc biệt để đeo vào ban đêm và tháo ra vào sáng hôm sau. Khi đeo trong lúc ngủ, kính sẽ tạm thời định hình lại giác mạc, giúp người bị loạn thị nhìn rõ cả ngày mà không cần dùng kính. Phương pháp này phù hợp với người không muốn hoặc chưa đủ điều kiện phẫu thuật, đặc biệt là trẻ em hoặc người chơi thể thao thường xuyên.

Phương pháp điều trị dứt điểm
Tùy theo đặc điểm giác mạc, độ loạn và nhu cầu cá nhân, bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp phù hợp nhất. Dưới đây là 4 phương pháp phẫu thuật khúc xạ mắt phổ biến hiện nay:
1. Mổ mắt Phakic: Phakic IPCL là giải pháp dành cho những người có độ cận – loạn cao hoặc giác mạc mỏng, không đủ điều kiện mổ bằng laser thông thường. Phương pháp này cấy một thấu kính IPCL nhỏ vào trong mắt, nằm giữa mống mắt và thủy tinh thể tự nhiên. Phakic không làm thay đổi cấu trúc giác mạc, do đó rất an toàn với những mắt “yếu cơ địa”.
2. SmartSurfACE: Phương pháp này sử dụng laser excimer bốc bay mô giác mạc trực tiếp trên bề mặt, không cần tạo vạt giác mạc. Nhờ đó, phương pháp này đặc biệt an toàn cho người có giác mạc mỏng, người chơi thể thao hoặc có nguy cơ va chạm vào vùng mắt.
3. Femto Pro: Femto Pro có ưu việt là sử dụng laser femtosecond tạo vạt giác mạc, sau đó laser excimer tiến hành điều chỉnh độ loạn. Phương pháp được áp dụng phổ biến nhất hiện nay nhờ hiệu quả cao, độ chính xác lớn và thời gian phục hồi khá nhanh (chỉ khoảng 2–3 ngày). Femto Pro phù hợp với người có giác mạc đủ dày và cần trở lại sinh hoạt sớm.
4. Phẫu thuật CLEAR: Đây là công nghệ điều trị khúc xạ thế hệ mới, sử dụng laser để bóc tách mô giác mạc từ bên trong mà không cần tạo vạt, nhờ đó hạn chế đáng kể nguy cơ khô mắt, biến chứng vạt và đặc biệt phục hồi rất nhanh – chỉ sau khoảng 24 giờ. Ngoài ra, CLEAR có khả năng giữ thị lực ổn định trong thời gian dài, tỷ lệ tái loạn thị hoặc tái cận rất thấp nếu chăm sóc mắt đúng cách
5. Bị loạn thị cần làm gì để bảo vệ thị lực?
Khi đã được chẩn đoán loạn thị hoặc nghi ngờ mắc tật khúc xạ này, việc chủ động chăm sóc mắt không chỉ giúp hạn chế tiến triển bệnh mà còn góp phần duy trì thị lực ổn định lâu dài. Có một số biện pháp khoa học và thiết thực bạn nên áp dụng:
Đừng bỏ qua những dấu hiệu cảnh báo
Nếu bạn thường xuyên nhìn mờ, nheo mắt khi đọc, bị nhức đầu sau thời gian dài làm việc, hoặc có thói quen dụi mắt, đó có thể là tín hiệu cho thấy mắt đang gặp vấn đề. Đừng chờ đến khi tình trạng trở nên nghiêm trọng mà bạn cần đến các cơ sở chuyên khoa mắt để được kiểm tra khúc xạ và tư vấn kịp thời.
Điều chỉnh tư thế và khoảng cách làm việc
Ngồi học hoặc làm việc với tư thế đúng không chỉ tốt cho cột sống mà còn giúp bảo vệ đôi mắt. Hãy giữ khoảng cách từ mắt đến sách vở trong khoảng 25–30cm và từ mắt đến màn hình máy tính khoảng 50–60cm. Cách làm này sẽ giúp giảm thiểu tình trạng điều tiết quá mức, từ đó làm chậm quá trình tăng nặng lên của loạn thị.
Tối ưu ánh sáng xung quanh không gian sống
Đọc sách hoặc làm việc trong môi trường thiếu sáng không chỉ khiến mắt mệt mỏi mà còn làm trầm trọng thêm tình trạng loạn thị. Bạn nên ưu tiên ánh sáng tự nhiên ban ngày, và dùng đèn có ánh sáng trắng – vàng trung tính vào ban đêm để tạo cảm giác dịu nhẹ cho mắt.
Giảm thời gian sử dụng các thiết bị công nghệ
Như đã biết, khi tiếp xúc quá lâu với màn hình điện thoại, máy tính hoặc tivi dễ gây mỏi mắt, khô mắt và làm giảm thị lực theo thời gian. Giải pháp tối ưu nhất bạn nên áp dụng là quy tắc 20–20–20. Cụ thể, sau mỗi 20 phút nhìn màn hình, hãy nhìn xa 20 feet (khoảng 6m) trong 20 giây để mắt được thư giãn.
Hy vọng qua bài viết này, bạn đã phần nào hiểu rõ hơn về loạn thị 1 bên mắt là gì cùng những dấu hiệu và cách điều trị phù hợp. Chủ động thăm khám và chăm sóc mắt định kỳ sẽ giúp bạn phòng ngừa được nhiều biến chứng không mong muốn. Nếu thấy thông tin hữu ích, đừng quên chia sẻ để nhiều người cùng biết và bảo vệ thị lực tốt hơn nhé!
Nếu bạn đang tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề liên quan đến tật khúc xạ, các bệnh lý về mắt hay muốn được tư vấn và đặt lịch khám cùng đội ngũ bác sĩ nhãn khoa giàu kinh nghiệm, vui lòng liên hệ với chúng tôi:
BỆNH VIỆN MẮT SÀI GÒN BIÊN HÒA
- Hotline: 0846 403 403
- Địa chỉ: 1403 Nguyễn Ái Quốc, Khu Phố 11, Phường Tam Hiệp, Tỉnh Đồng Nai