Hệ thống
bệnh viện
Hotline
0846 403 403
Chat
Messenger
Ưu đãi
Thời gian làm việc
Thứ Hai – Thứ Bảy: 7:30 – 16:30

Trẻ bị viễn thị bẩm sinh: Nguyên nhân và dấu hiệu nhận biết

Nhiều người tin rằng, viễn thị là tật khúc xạ chỉ xảy ra ở người cao tuổi. Ít ai biết được viễn thị bẩm sinh có thể gặp phải ở cả những em bé mới chào đời. Vậy, nguyên nhân nào gây ra tình trạng này và dấu hiệu nhận biết ra sao? Mời bạn đọc cùng Bệnh viện mắt Sài Gòn Biên Hòa tìm hiểu kỹ hơn trong bài viết dưới đây.

trẻ bị viễn thị bẩm sinh

1. Bệnh viễn thị bẩm sinh là gì?

Viễn thị bẩm sinh là một tật khúc xạ xảy ra ở trẻ ngay từ khi vừa mới sinh. Tình trạng này khiến trẻ không thể nhìn rõ các vật ở gần nhưng vẫn nhìn tốt vật ở khoảng cách xa. Tùy vào nguyên nhân mà viễn thị bẩm sinh ở trẻ có thể được phân loại như sau:

  • Viễn thị đơn thuần: Xảy ra khi trục nhãn cầu ngắn, giác mạc  thủy tinh thể dẹt khiến ánh sáng hội tụ phía sau võng mạc.
  • Viễn thị bệnh lý: Được xác định trong các trường hợp không có thủy tinh thể hoặc thủy tinh thể sai vị trí bẩm sinh.
  • Viễn thị chức năng: Bao gồm các trường hợp mắt bị mất điều tiết do liệt dây thần kinh số III hoặc liệt nhãn cầu trong.
Trẻ có thể bị viễn thị bẩm sinh ngay khi vừa chào đời
Trẻ có thể bị viễn thị bẩm sinh ngay khi vừa chào đời

Việc không thể nhìn rõ vật ở cự ly gần không chỉ làm giảm chất lượng sống, ảnh hưởng đến kết quả học tập mà còn khiến trẻ dễ tự ti khi tham gia các hoạt động tập thể. Trường hợp không được điều trị phù hợp và kịp thời, trẻ có thể gặp phải những biến chứng nghiêm trọng như lác trong hoặc nhược thị.

Theo các chuyên gia, thời điểm phát hiện và điều trị viễn thị bẩm sinh là vô cùng quan trọng. Những trường hợp can thiệp sau 7 tuổi thường không đem lại hiệu quả cao. Vậy nên, ba mẹ cần chú ý theo dõi và tầm soát các bệnh về mắt cho trẻ ngay sau khi sinh.

2. Nguyên nhân gây viễn thị bẩm sinh

Nguyên nhân chính xác gây nên chứng viễn thị bẩm sinh hiện vẫn chưa được làm rõ. Tuy nhiên, một số nhóm yếu tố nguy cơ được xác định có khả năng thúc đẩy tình trạng này, bao gồm:

2.1. Yếu tố di truyền

Di truyền được xếp vào nhóm nguy cơ hàng đầu gây viễn thị bẩm sinh. Theo đó, những em bé sinh ra trong gia đình có ông bà hoặc bố mẹ bị viễn thị, lác mắt có tỷ lệ mắc tật khúc xạ này cao hơn bình thường.

Ngoài ra, các nhà khoa học cũng đã xác định được một số đột biến gen có thể di truyền, ảnh hưởng đến sự phát triển của mắt và gây ra tật viễn thị ở trẻ như: mất đoạn nhỏ gen 16p11.2, đột biến gen MYRF – gen có chức năng điều hòa myelin trong cấu trúc mắt.

2.2. Yếu tố bệnh lý

Một số bệnh lý bẩm sinh làm ảnh hưởng đến sự phát triển của mắt trong thời kỳ bào thai và gây ra tật viễn thị ở trẻ. Những bệnh lý được xác định gồm: Đục thủy tinh thể vỏ não, mất thủy tinh thể bẩm sinh, tăng đường huyết (gặp ở các mẹ bị tiểu đường thai kỳ không kiểm soát), phù nề võng mạc và dây thần kinh thị giác, hội chứng Heimler, hội chứng Kenny, hội chứng Loeys – Dietz và bệnh mù bẩm sinh Leber.

Hội chứng Loeys - Dietz có thể là nguyên nhân gây viễn thị bẩm sinh ở trẻ
Hội chứng Loeys – Dietz có thể là nguyên nhân gây viễn thị bẩm sinh ở trẻ

Ngày nay, hầu hết những vấn đề trên đều có thể được phát hiện thông qua các biện pháp sàng lọc và thăm khám trong thai kỳ. Vậy nên, các mẹ cần chú ý tuân thủ lịch khám của bác sĩ để có một thai kỳ khỏe mạnh, an toàn cho cả mẹ và bé.

2.3. Yếu tố môi trường

Tác nhân từ môi trường đôi khi tạo ra tác động tiêu cực đến sự phát triển thị lực của trẻ ngay từ khi còn trong bụng mẹ. Điển hình như, việc mẹ hút thuốc (chủ động hoặc thụ động) khi mang thai có thể ảnh hưởng đến thần kinh và giác mạc của thai nhi, làm tăng nguy cơ trẻ bị viễn thị bẩm sinh.

Ngoài ra, trong thời gian mang bầu nếu mẹ bị thiếu dinh dưỡng, tiếp xúc với các chất độc hại hoặc sinh non cũng làm tăng nguy cơ trẻ bị viễn thị bẩm sinh. Đây là lý do mẹ bầu cần chú ý bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, nghỉ ngơi điều độ, tránh căng thẳng kéo dài và môi trường làm việc độc hại.

3. Dấu hiệu nhận biết viễn thị bẩm sinh

Do những hạn chế về ngôn ngữ và biểu đạt nên việc phát hiện viễn thị bẩm sinh ở trẻ phụ thuộc chủ yếu vào cha mẹ. Dưới đây là một vài dấu hiệu thường gặp:

  • Nhìn mờ: Các vật trở nên mờ dần khi chúng được đưa đến gần mắt của trẻ. Đây là triệu chứng điển hình nhất của viễn thị.
  • Lé mắt: Trẻ bị viễn thị bẩm sinh thường bị lé một hoặc cả hai bên mắt, trong đó phổ biến nhất là tình trạng lé trong.
  • Asthenopia: Bao gồm các dấu hiệu mỏi mắt, khó chịu ở mắt, chảy nước mắt hoặc tăng nhạy cảm với ánh sáng có thể xuất hiện ở trẻ bị viễn thị.
  • Khác: Mắt trẻ bị viễn thị trông lồi hơn bình thường. Ngoài ra, trẻ thường xuyên bị viêm kết mạc tái phát.
Trẻ bị viễn thị gặp khó khăn khi quan sát vật ở cự ly gần
Trẻ bị viễn thị gặp khó khăn khi quan sát vật ở cự ly gần

Trong một vài trường hợp, trẻ bị viễn thị bẩm sinh không có bất kỳ triệu chứng nào. Nguyên nhân là do sự điều chỉnh của cơ mi và nỗ lực điều tiết của mắt giúp bù đắp thị lực. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là mắt trẻ “tự chữa khỏi”. Thay vào đó, trẻ vẫn có thể gặp phải những biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời. Để tránh tình huống này, ba mẹ nên chủ động cho trẻ khám mắt định kỳ tại các cơ sở y tế chuyên khoa.

4. Viễn thị bẩm sinh có chữa được không?

Viễn thị bẩm sinh không thể chữa khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên, hiện nay có nhiều biện pháp giúp trẻ cải thiện thị lực và phòng ngừa biến chứng, điển hình như:

  • Đeo kính: Bao gồm kính gọng hoặc kính áp tròng giúp điều chỉnh điểm hội tụ của ánh sáng lên võng mạc. Đây là phương pháp không xâm lấn, phù hợp với nhiều độ tuổi khác nhau và tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, việc đeo kính có thể gây bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày hoặc kích ứng mắt.
  • Phẫu thuật: Chỉ được áp dụng khi trẻ trên 18 tuổi và độ viễn thị ổn định trong khoảng +1 diop đến +10 diop. Những phương pháp có thể áp dụng gồm: phẫu thuật rạch da, phẫu thuật laser, phương pháp ánh sáng PRK, phẫu thuật Lasik, cấy ghép kính nội nhãn,…

Việc lựa chọn phương pháp điều trị cần dựa trên mức độ viễn thị và tình trạng sức khỏe hiện tại của trẻ. Để lựa chọn được phác đồ phù hợp, ba mẹ cần đưa trẻ đến thăm khám tại các cơ sở y tế và nghe tư vấn từ bác sĩ chuyên khoa.

Trên đây là một số chia sẻ của Bệnh viện mắt Sài Gòn Biên Hòa về tình trạng viễn thị bẩm sinh. Mong rằng bài viết đã mang đến cho ba mẹ hiểu rõ hơn về tình trạng sức khỏe của con. Nếu cần tư vấn kỹ hơn, ba mẹ hãy để lại lời nhắn hoặc liên hệ trực tiếp Bệnh viện mắt Sài Gòn Biên Hòa qua Hotline: 0846 403 403.

Nếu bạn đang tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề liên quan đến tật khúc xạ, các bệnh lý về mắt hay muốn được tư vấn và đặt lịch khám cùng đội ngũ bác sĩ nhãn khoa giàu kinh nghiệm, vui lòng liên hệ với chúng tôi:

BỆNH VIỆN MẮT SÀI GÒN BIÊN HÒA

  • Hotline: 0846 403 403
  • Địa chỉ: 1403 Nguyễn Ái Quốc, Khu Phố 11, Phường Tam Hiệp, Tỉnh Đồng Nai