Loạn thị bẩm sinh là một trong những tật khúc xạ mắt phổ biến ở trẻ nhỏ nhưng lại dễ bị bỏ sót do các dấu hiệu ban đầu khá mờ nhạt. Nếu không được phát hiện sớm, bệnh lý sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng học tập và chất lượng sống của trẻ. Trong bài viết này, bệnh viện Mắt Sài Gòn Biên Hòa sẽ giúp ba mẹ hiểu rõ loạn thị bẩm sinh là gì, nguyên nhân do đâu, dấu hiệu cần lưu ý và cách điều trị phù hợp nhất.

Xem nhanh
1. Loạn thị bẩm sinh là gì?
Loạn thị bẩm sinh là tình trạng tật khúc xạ ở mắt xuất hiện ngay từ lúc trẻ chào đời, do cấu trúc nhãn cầu phát triển không bình thường. Thay vì có hình dạng gần tròn hoàn hảo như mắt khỏe mạnh, giác mạc hoặc thủy tinh thể của trẻ bị loạn thị lại cong lệch hoặc méo mó, khiến ánh sáng đi vào mắt không hội tụ chính xác tại võng mạc.

2. Loạn thị bẩm sinh có nguy hiểm không?
Loạn thị có thể xảy ra ở một hoặc cả hai mắt và mức độ loạn thị không giống nhau giữa từng trẻ, tùy thuộc vào mức độ biến dạng bề mặt giác mạc hoặc thủy tinh thể. Trong nhiều trường hợp, loạn thị nhẹ không gây ảnh hưởng lớn đến tầm nhìn và đôi khi khó nhận ra nếu không kiểm tra mắt định kỳ.
Tuy nhiên, nếu không được điều chỉnh kịp thời, trẻ có nguy cơ cao mắc các biến chứng nghiêm trọng như nhược thị (mắt lười), lé (mắt lệch trục), thậm chí là suy giảm thị lực vĩnh viễn. Bởi vì trong những năm đầu đời, hệ thống thị giác của trẻ vẫn đang phát triển và rất dễ bị ảnh hưởng nếu không có sự can thiệp phù hợp.
3. Dấu hiệu điển hình của loạn thị bẩm sinh
Loạn thị bẩm sinh là một tật khúc xạ phổ biến ở trẻ em nhưng thường bị bỏ qua do các triệu chứng tiến triển chậm và không rõ ràng. Tuy nhiên, nếu quan sát kỹ, bố mẹ có thể phát hiện sớm qua những dấu hiệu dưới đây:
- Trẻ hay nheo mắt khi nhìn: Khi thị lực không rõ ràng, trẻ thường có thói quen nheo mắt để điều chỉnh tiêu điểm và cố gắng nhìn rõ hơn. Đây là phản xạ phổ biến ở những trẻ gặp vấn đề về khúc xạ như loạn thị.
- Mỏi mắt và đau đầu kéo dài: Một trong những biểu hiện âm thầm của loạn thị là cảm giác mỏi mắt, đặc biệt sau khi trẻ cố tập trung nhìn lâu. Trẻ có thể than đau đầu, nhất là ở vùng trán hoặc hai bên thái dương. Đây là dấu hiệu thường bị nhầm lẫn với mệt mỏi thông thường.
- Thường xuyên chảy nước mắt hoặc bị kích ứng: Do mắt phải hoạt động nhiều để điều tiết hình ảnh, trẻ có thể bị kích ứng nhẹ khiến mắt dễ chảy nước hoặc đỏ nhẹ mà không do viêm nhiễm.

4. Trẻ bị loạn thị bẩm sinh do đâu?
Đến nay dù chưa xác định chính xác nguyên nhân, các chuyên gia nhãn khoa cho rằng loạn thị bẩm sinh có nguyên nhân chính do di truyền. Nếu trong gia đình có người từng mắc các tật khúc xạ như loạn thị, nguy cơ trẻ sinh ra bị loạn thị sẽ cao hơn do yếu tố gen.
Ngoài ra, bệnh lý này cũng có thể xuất phát từ ba yếu tố chính:
- Thói quen hút thuốc của mẹ khi mang thai: Một số nghiên cứu cho thấy trẻ có mẹ hút thuốc trong thai kỳ có nguy cơ cao mắc các vấn đề thị lực, bao gồm loạn thị, do tác động của nicotine đến sự phát triển thị giác bào thai. [1]
- Phát triển không hoàn chỉnh của các cấu trúc mắt: Một số trẻ không có yếu tố di truyền vẫn mắc loạn thị do giác mạc hoặc thủy tinh thể phát triển không đều trong thai kỳ, làm sai lệch đường hội tụ ánh sáng vào võng mạc.
- Dinh dưỡng kém trong thai kỳ: Thiếu hụt vi chất như vitamin A, kẽm, axit folic… cũng thường làm tăng nguy cơ hình thành các dị tật nhẹ gây loạn thị bẩm sinh.
- Bệnh lý khi mang thai: Mẹ bị các bệnh như rubella, toxoplasma, đái tháo đường thai kỳ hoặc cao huyết áp có thể ảnh hưởng đến thai nhi, trong đó bao gồm rối loạn phát triển mắt và dẫn đến loạn thị.
5. Cách chăm sóc trẻ bị loạn thị bẩm sinh
Dưới đây là những phương pháp khoa học giúp phụ huynh đồng hành cùng con vượt qua tình trạng này:
5.1. Tạo không gian sinh hoạt hợp lý cho con
Ba mẹ hãy bố trí nơi học tập và sinh hoạt của trẻ với ánh sáng vừa phải, tránh ánh sáng quá chói hoặc quá tối. Ngoài ra, luôn yêu cầu con ngồi học với lưng thẳng, hai vai cân bằng và giữ khoảng cách tối thiểu 30–40 cm với sách vở hoặc thiết bị điện tử.
Thời gian sử dụng màn hình nên được kiểm soát chặt chẽ, đan xen cùng thời gian nghỉ để mắt tránh mỏi và căng thị lực.
5.2. Khuyến khích trẻ tập thể dục cho mắt mỗi ngày
Mắt cũng cần được vận động và thư giãn như các bộ phận khác trên cơ thể. Bạn có thể hướng dẫn trẻ thực hiện các bài tập mắt đơn giản như đảo mắt theo vòng tròn, nhìn xa – nhìn gần luân phiên hay chớp mắt nhẹ nhàng trong 1 – 2 phút. Việc này không chỉ giúp mắt thư giãn mà còn hỗ trợ điều tiết tốt hơn.
5.3. Sử dụng thuốc nhỏ mắt đúng cách và an toàn
Trong trường hợp được bác sĩ kê đơn, phụ huynh cần nhỏ thuốc đều đặn cho trẻ theo chỉ dẫn. Nếu trẻ có biểu hiện khô rát hay mỏi mắt sau khi đi ngoài đường về hoặc sau thời gian dùng thiết bị điện tử, có thể dùng thêm nước mắt nhân tạo để làm dịu mắt và giúp mắt hồi phục nhanh hơn.

6. Loạn thị bẩm sinh có chữa được không?
Câu trả lời là CÓ, nhưng sẽ tùy thuộc vào độ tuổi và tình trạng mắt cụ thể của mỗi người. Hiện nay, có hai hướng điều trị chính cho loạn thị bẩm sinh: Điều chỉnh tạm thời bằng kính khi còn nhỏ và mổ mắt cận dứt điểm khi đã đủ tuổi trưởng thành.
6.1. Trẻ dưới 18 tuổi
Ở độ tuổi này, mắt của trẻ vẫn đang trong quá trình phát triển, chưa đủ điều kiện để can thiệp bằng phẫu thuật. Vì thế, phương pháp điều trị chủ yếu là đeo kính – bao gồm:
- Kính gọng và kính áp tròng mềm: Giúp điều chỉnh độ loạn thị hằng ngày, cải thiện tầm nhìn rõ ràng. Trẻ cần được đo mắt định kỳ để đảm bảo độ kính luôn chính xác và tròng kính nên có lớp chống tia UV, ánh sáng xanh.
- Kính áp tròng cứng Ortho-K: Đây là giải pháp cao cấp dành cho trẻ từ 6 tuổi trở lên, dùng vào ban đêm để định hình giác mạc. Sáng hôm sau khi tháo kính, trẻ có thể nhìn rõ mà không cần đeo kính cả ngày mà không thích gò bó.
6.2. Người từ 18 tuổi trở lên
Khi đã đủ 18 tuổi và độ khúc xạ ổn định (không thay đổi quá 0.75 diop trong 6 tháng), người bệnh có thể lựa chọn phẫu thuật khúc xạ hiện đại để điều trị triệt để loạn thị bẩm sinh. Một số kỹ thuật tiên tiến phổ biến hiện nay bao gồm:
- Mổ mắt Phakic: Phương pháp giữ nguyên cấu trúc giác mạc, giúp phục hồi thị lực nhanh, phù hợp với người có giác mạc mỏng hoặc độ cận loạn thị cao.
- Phẫu thuật CLEAR: Đây là thế hệ cải tiến của phương pháp ReLEx SMILE với ưu điểm không dùng dao, ít xâm lấn, bảo tồn cấu trúc giác mạc, giảm thiểu khô mắt và các biến chứng khác sau mổ.
- SmartSurface: Ưu điểm của phương pháp này là nhờ khả năng mổ loạn không tạo vạt, giúp giảm thiểu tối đa chấn thương giác mạc, phù hợp với người có giác mạc mỏng, thường xuyên vận động mạnh.
- Femto Pro: Với phương pháp này, vạt giác mạc được tạo ra một cách nhanh chóng, mịn và chính xác. Từ đó giúp giảm áp lực lên mắt, không gây đau trong quá trình phẫu thuật.
7. Một số thắc mắc thường gặp về loạn thị bẩm sinh
Loạn thị bẩm sinh có tăng độ không?
Loạn thị bẩm sinh có thể tăng độ theo thời gian, đặc biệt ở trẻ em nếu không được kiểm soát và theo dõi định kỳ.
Loạn thị bẩm sinh có cần đeo kính không?
Trẻ bị loạn thị bẩm sinh nên đeo kính gọng hoặc kính áp tròng Ortho-K càng sớm càng tốt. Nếu không, tình trạng bệnh sẽ diễn biến nhanh, dẫn đến nhược thị nếu không được điều chỉnh kịp thời. Đeo kính cũng sẽ cải thiện thị lực và hạn chế nguy cơ tiến triển cận thị.
Loạn thị bẩm sinh có mổ được không?
Có. Sau 18 tuổi và khi độ khúc xạ ổn định, người bệnh có thể phẫu thuật khúc xạ mắt để điều trị dứt điểm loạn thị bằng các phương pháp hiện đại như Phakic IPCL, CLEAR hoặc LASIK tùy thuộc theo các trường hợp cụ thể.
Hiểu đúng về loạn thị bẩm sinh là bước đầu tiên để cha mẹ có thể phát hiện và hỗ trợ con kịp thời. Dù chưa thể chữa khỏi hoàn toàn, việc điều trị đúng cách sẽ giúp trẻ nhìn rõ hơn, học tốt hơn và phát triển thị lực bình thường theo từng giai đoạn.
Ba mẹ đừng quên khám mắt định kỳ và theo dõi những thay đổi nhỏ ở mắt con mỗi ngày, từ đó chính là cách chăm sóc đôi mắt khỏe mạnh từ sớm.
Nếu bạn đang tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề liên quan đến tật khúc xạ, các bệnh lý về mắt hay muốn được tư vấn và đặt lịch khám cùng đội ngũ bác sĩ nhãn khoa giàu kinh nghiệm, vui lòng liên hệ với chúng tôi:
BỆNH VIỆN MẮT SÀI GÒN BIÊN HÒA
- Hotline: 0846 403 403
- Địa chỉ: 1403 Nguyễn Ái Quốc, Khu Phố 11, Phường Tam Hiệp, Tỉnh Đồng Nai
Nguồn tham khảo:
1. https://pmc.ncbi.nlm.nih.gov/articles/PMC3186875/