Loạn thị và cận thị là hai dạng tật khúc xạ phổ biến, thường bị nhầm lẫn vì có những biểu hiện tương đồng. Tuy nhiên, trên thực tế mỗi bệnh lý đều có những đặc điểm riêng biệt mà người bệnh cần nắm rõ. Trong bài viết này, Bệnh viện mắt Sài Gòn Biên Hòa sẽ cho bạn thấy sự khác nhau giữa loạn thị và cận thị. Liệu bệnh lý nào nguy hiểm hơn nếu không được can thiệp kịp thời?

Xem nhanh
1. Cận thị là gì?
Cận thị (Myopia) là tình trạng mắt không thể nhìn rõ các vật ở xa do hình ảnh hội tụ trước võng mạc. Nguyên nhân chủ yếu là do trục nhãn cầu dài hơn bình thường hoặc giác mạc quá cong. Khi đó, ánh sáng đi vào mắt không hội tụ tại một vị trí trên võng mạc, mà hội tụ tại điểm phía trước võng mạc, khiến người bệnh chỉ có thể nhìn rõ vật ở khoảng cách gần.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đến năm 2050, khoảng 50% dân số toàn cầu được dự đoán sẽ mắc cận thị. Tại Việt Nam, tỉ lệ cận thị học đường ở học sinh thành thị có thể lên tới 40 – 50%[1].
Biểu hiện đặc trưng của người bị cận thị:
- Khó khăn khi nhìn các bảng hiệu, bảng chỉ dẫn hoặc vật ở xa.
- Thường xuyên phải nheo mắt để nhìn rõ hơn, đặc biệt là vào ban đêm.
- Đau đầu, mỏi mắt, giảm tập trung khi học tập, làm việc trong nhiều giờ.
Cận thị có xu hướng tiến triển nặng theo thời gian, đặc biệt ở trẻ em trong độ tuổi tăng trưởng nhanh. Việc không kiểm soát tốt độ cận có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm lên võng mạc.

2. Loạn thị là gì?
Loạn thị (Astigmatism) là tình trạng tật khúc xạ xảy ra khi giác mạc hoặc thủy tinh thể có hình dạng bất thường, làm cho ánh sáng không hội tụ tại một điểm mà tại nhiều điểm khác nhau trên võng mạc. Điều này làm cho hình ảnh truyền đến mắt bị méo mó, mờ nhòe, cả ở khoảng cách gần lẫn xa.
Loạn thị có thể xuất hiện độc lập hoặc kết hợp với các tật khúc xạ khác như cận thị hoặc viễn thị.
Các biểu hiện của loạn thị thường thấy bao gồm:
- Hình ảnh thấy được bị mờ nhòe ngay cả khi nhìn xa và gần.
- Hình ảnh bị kéo dài, biến dạng hoặc chồng chéo lên nhau.
- Nhức đầu, chói mắt khi làm việc với máy tính hoặc dưới ánh sáng mạnh.
Loạn thị có nhiều loại như: loạn thị đơn thuần (thuận/nghịch), loạn thị kép, loạn thị chéo… Trong đó, loạn thị chéo thường gây ảnh hưởng nặng nhất đến thị giác.

3. Phân biệt loạn thị và cận thị
Mặc dù đều là tật khúc xạ và ảnh hưởng đến khả năng nhìn, nhưng bản chất và cơ chế hình thành của loạn thị và cận thị là hoàn toàn khác nhau.
Bạn có thể phân biệt loạn thị và cận thị thông qua bảng so sánh dưới đây:
Loạn thị | Cận thị |
Là tình trạng ánh sáng truyền đến mắt hội tụ thành nhiều điểm trên võng mạc, thay vì một điểm như mắt bình thường. | Là tình trạng ánh sáng truyền đến mắt hội tụ thành điểm ở phía trước võng mạc, thay vì ngay trên võng mạc như mắt bình thường. |
Do giác mạc hoặc thủy tinh thể có hình dạng bất thường, có độ cong không đều. | Do trục nhãn cầu dài hơn bình thường. |
Mắt nhìn thấy hình ảnh bị méo mó, không rõ nét, thậm chí biến dạng ở mọi khoảng cách, dù là xa hay gần. | Tầm nhìn xa bị cản trở, mắt chỉ có thể nhìn rõ các hình ảnh trong khoảng cách gần. |
Độ loạn thị thường ổn định hơn theo thời gian. | Độ cận thị thường tăng dần theo thời gian. |
Người loạn thị đeo thấu kính trụ (kính loạn thị). | Người cận thị đeo thấu kính phân kỳ với bề mặt kính lõm xuống. |
Việc phân biệt cận thị và loạn thị chính xác không chỉ giúp chẩn đoán đúng bệnh mà còn đảm bảo người bệnh được điều chỉnh thị lực hiệu quả và an toàn.
4. Loạn thị và cận thị cái nào nguy hiểm hơn?
Thực tế, không thể kết luận tuyệt đối bệnh nào nguy hiểm hơn. Mỗi tật khúc xạ sẽ mang đến những rủi ro khác nhau nếu không được kiểm soát kịp thời.
Cận thị, đặc biệt là cận thị tiến triển hoặc cận thị nặng (trên – 6.00 diop), có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như: bong võng mạc, xuất huyết, thoái hóa hoàng điểm do cận thị kéo dài, tăng nguy cơ mắc bệnh tăng nhãn áp hoặc thoái hóa võng mạc sớm.
Ngược lại, loạn thị ít khi gây biến chứng nguy hiểm ở cấu trúc đáy mắt. Tuy nhiên, nếu không được phát hiện sớm và chỉnh kính đúng cách, loạn thị có thể: làm suy giảm thị giác, ảnh hưởng đến học tập, lao động, gây mỏi mắt kéo dài, nhức đầu mãn tính, tăng nguy cơ nhược thị ở trẻ nhỏ nếu không điều trị kịp thời.
Tóm lại, cả loạn thị và cận thị đều cần được quan tâm và chẩn đoán kịp thời. Nếu không xây dựng những thói quen tốt cho mắt, độ cận thị và loạn thị sẽ tăng nhanh theo thời gian, thậm chí dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng về cấu trúc mắt. ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và khả năng học tập, làm việc của người bệnh.
5. Chăm sóc mắt để phòng ngừa cận thị và loạn thị
Cách tốt nhất để tránh phải đối mặt với những rủi ro do cận thị và loạn thị gây ra là thực hiện các biện pháp phòng ngừa ngay từ sớm:
- Thay đổi thói quen sinh hoạt: Hạn chế thời gian sử dụng điện thoại, máy tính và các thiết bị điện tử nói chung. Cho mắt được nghỉ ngơi theo quy tắc 20-20-20, tức là sau 20 phút học tập, làm việc sẽ cho mắt nhìn ra xa 20 feet (khoảng 6m) trong vòng 20 giây.
- Tăng cường hoạt động ngoài trời: Trẻ em nên tiếp xúc ánh sáng tự nhiên ít nhất 1–2 giờ/ngày để giảm nguy cơ mắc các tật khúc xạ.
- Học tập, làm việc trong môi trường đủ sáng.
- Dinh dưỡng đầy đủ: Bổ sung các chất dinh dưỡng như vitamin A, lutein, omega-3, kẽm để tăng cường sức khỏe võng mạc và giác mạc.
- Khám mắt định kỳ: Khuyến khích khám mắt định kỳ 1 năm/lần, nhất là với trẻ em, học sinh, người làm việc văn phòng hoặc người có người thân trong gia đình mắc các tật khúc xạ.

6. Loạn thị và cận thị có chữa được không?
Có 2 phương pháp thường được áp dụng để điều trị loạn thị và cận thị là: đeo kính và phẫu thuật khúc xạ mắt.
Trong đó, phương pháp đeo kính chỉ là công cụ giúp người bệnh loạn thị và cận thị có thể nhìn rõ hơn, nhưng không có chức năng điều trị dứt điểm 2 tật khúc xạ này. Khi đeo kính, người bệnh sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào kính để có thể nhìn rõ hơn.
Nếu muốn điều trị dứt điểm loạn thị và cận thị, người bệnh cần thực hiện phẫu thuật. Có 4 phương pháp phẫu thuật xóa cận loạn phổ biến là:
- Phẫu thuật CLEAR: Sử dụng tia Femtosecond Laser tạo vết mổ nhỏ 2mm để tách một phần mô giác mạc nhằm điều chỉnh và loại bỏ độ cận, độ loạn thông qua vết mổ đó.
- Phẫu thuật Femto Pro: Sử dụng 2 tia laser khác nhau là Laser Femtosecond để tạo vạt giác mạc thay cho dao vi phẫu và Laser Excimer để điều chỉnh độ cận loạn thị.
- Phẫu thuật SmartSurfACE: Sử dụng tia Laser Excimer chiếu trực tiếp lên bề mặt giác mạc, mà không cần tạo vạt, không cần chạm vào mắt để loại trừ độ cận, loạn.
- Mổ mắt Phakic: Đặt thấu kính nội nhãn (Intraocular Lens – IOL) vào bên trong mắt, ngay giữa mống mắt và thủy tinh thể. Sử dụng thấu kính IPCL này để điều chỉnh tiêu cự ánh sáng.
4 phương pháp phẫu thuật này hiện đều có tại Bệnh viện mắt Sài Gòn Biên Hòa. Người bệnh cần hỏi ý kiến của bác sĩ để biết đâu là phương pháp phù hợp nhất với tình trạng của bản thân.
Hiểu đúng về loạn thị và cận thị, nhận biết được loạn thị khác cận thị như thế nào sẽ giúp bạn chủ động hơn trong chăm sóc thị lực. Nếu bạn đang có những biểu hiện nghi ngờ hoặc cần kiểm tra tật khúc xạ, hãy đến ngay Bệnh viện mắt Sài Gòn Biên Hòa – nơi hội tụ đội ngũ chuyên gia nhãn khoa hơn 20 năm kinh nghiệm cùng hệ thống máy móc hiện đại hàng đầu.
Nếu bạn đang tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề liên quan đến tật khúc xạ, các bệnh lý về mắt hay muốn được tư vấn và đặt lịch khám cùng đội ngũ bác sĩ nhãn khoa giàu kinh nghiệm, vui lòng liên hệ với chúng tôi:
BỆNH VIỆN MẮT SÀI GÒN BIÊN HÒA
- Hotline: 0846 403 403
- Địa chỉ: 1403 Nguyễn Ái Quốc, Khu Phố 11, Phường Tam Hiệp , Tỉnh Đồng Nai
Nguồn tham khảo:
1. https://pmc.ncbi.nlm.nih.gov/articles/PMC8759558/