Cận thị ngày càng gia tăng ở người trẻ tuổi. Nhiều người đặt câu hỏi: Cận thị có giảm độ được không? Đây không chỉ là thắc mắc phổ biến. Mà còn là mối quan tâm lớn với những ai đang sống cùng chiếc kính dày cộp.
Bài viết dưới đây của Bệnh viện Mắt Sài Gòn Biên Hòa sẽ cung cấp thông tin cần thiết. Giúp bạn hiểu rõ hơn về cận thị và cách kiểm soát cận thị hiệu quả.

Xem nhanh
1. Cận thị là gì? Nguyên nhân và triệu chứng
Cận thị được hiểu đơn giản là tình trạng mắt nhìn mờ khi quan sát vật ở xa, nhưng vẫn thấy rõ ở khoảng cách gần. Mỗi người sẽ có mức độ cận khác nhau, vì vậy tầm nhìn rõ cũng không giống nhau. Độ cận diop càng cao, khoảng cách nhìn rõ càng bị thu hẹp.
Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên tình trạng cận thị. Tuy nhiên, có thể chia làm hai nguyên nhân chính đó là cận thị do di truyền và cận thị do tác động của môi trường, thói quen sinh hoạt không hợp lý.
Một nghiên cứu tổng hợp và phân tích dữ liệu toàn cầu được công bố trên tạp chí Ophthalmology năm 2016 dự báo rằng: Đến năm 2050 sẽ có khoảng 50% dân số thế giới (khoảng 5 tỷ người) bị cận thị, trong đó có khoảng 10% bị cận thị nặng có nguy cơ cao dẫn đến suy giảm thị lực nghiêm trọng. [1]
Khi bị cận thị, bạn sẽ nhận thấy các dấu hiệu như sau:
- Không thể nhìn rõ và phải nheo mắt khi nhìn xa ở khoảng cách 3 – 5m
- Thường xuyên dụi mắt, mỏi mắt hoặc đau đầu.
- Phải tiến sát sách vở hoặc màn hình để nhìn rõ.
- Chớp mắt nhiều, đôi khi nháy mắt.
- Dễ mất tập trung, đặc biệt là khi học tập và làm việc.

2. Mắt cận có thể giảm độ được không?
Nhiều người thắc mắc: Cận thị có giảm độ được không? Thực chất cận thị không thể tự giảm độ, khi nhãn cầu bị kéo dài, nó sẽ không thể quay trở lại hình dạng ban đầu được nữa. Bạn chỉ có thể cố gắng kiểm soát tăng độ cận hàng năm thấp nhất có thể. Độ cận thường tăng mạnh ở giai đoạn con người đang phát triển, nhất là trẻ em. Khi tới một độ tuổi nhất định (thường là 18 tuổi), độ cận sẽ tăng chậm hơn và gần như không có sự thay đổi
Bạn hoàn toàn có thể kiểm soát tốc độ tiến triển của cận thị bằng các biện pháp can thiệp đúng cách. Một số thay đổi tích cực trong thói quen sinh hoạt như: giảm thời gian tiếp xúc với thiết bị điện tử, duy trì khoảng cách khi đọc và làm việc, nghỉ ngơi cho mắt đúng cách, hay bổ sung dưỡng chất có lợi cho thị lực đều góp phần quan trọng trong việc hạn chế mắt tăng độ.
3. Một số phương pháp giúp kiểm soát độ cận hiệu quả
3.1. Thay đổi lối sống và thói quen sinh hoạt
Giữ khoảng cách an toàn với các thiết bị điện tử
Khi sử dụng điện thoại hoặc máy tính, bạn nên duy trì khoảng cách từ 50 đến 70cm giữa mắt và màn hình. Việc nhìn quá gần trong thời gian dài khiến mắt phải điều tiết liên tục, gây áp lực lên các cơ mắt. Điều này không chỉ làm mắt nhanh mỏi mà còn góp phần làm tăng độ cận thị theo thời gian. Do đó, duy trì khoảng cách phù hợp khi làm việc với các thiết bị điện tử là một trong những biện pháp quan trọng giúp bảo vệ sức khỏe thị lực và hạn chế tình trạng tăng độ cận.
Áp dụng nguyên tắc 20 – 20 – 20
Nguyên tắc này rất đơn giản: Cứ sau 20 phút làm việc, bạn nên nhìn ra xa khoảng 6 mét (tương đương 20 feet) trong vòng 20 giây. Thói quen nhỏ này giúp mắt được nghỉ ngơi, giảm áp lực lên võng mạc và làm chậm tiến trình tăng độ.

Thay đổi chế độ ăn uống khoa học
Nếu bạn bị cận thị, đừng quên nạp đầy đủ vitamin A và E từ những thực phẩm quen thuộc như trứng, sữa, các món từ sữa, cá và hải sản. Chúng chính là bí quyết giúp đôi mắt bạn sáng khỏe hơn mỗi ngày. Còn vitamin C, vốn có nhiều trong các loại trái cây chua và rau xanh, không chỉ bổ sung dưỡng chất mà còn mang đến lutein – lá chắn tự nhiên giúp lọc ánh sáng xanh, bảo vệ võng mạc khỏi tác hại bên ngoài. Đó chính là cách đơn giản mà hiệu quả để giữ cho mắt luôn khỏe mạnh.
Thực hiện các bài tập thư giãn mắt
Sau 45 – 60 phút học tập hay làm việc, bạn hãy dành một phút để chớp mắt liên tục, rồi nhắm mắt thư giãn khoảng 5 – 10 giây. Thực hiện quy trình này 1 – 2 lần nữa để khơi thông tuần hoàn, giảm khô và mỏi mắt. Một thói quen nhỏ, nhưng là điểm cộng lớn cho ánh nhìn luôn tươi tắn, sắc sảo.
3.2. Các phương pháp điều trị y khoa
Đeo kính gọng
Đây là phương pháp cực kì đơn giản và phổ biến để cải thiện thị lực, người bị cận thường sẽ sử dụng thấu kính phân kỳ. Việc đeo kính đúng độ cận giúp mắt giảm điều tiết, tránh mỏi mắt và hạn chế tăng độ nhanh.
Kính áp tròng ban đêm Ortho-K
Đây là loại kính áp tròng Ortho-K cứng được thiết kế đặc biệt vào ban đêm khi ngủ, giúp định hình lại bề mặt giác mạc. Khi ngủ dậy, bạn có thị lực rõ nét vào ban ngày mà không cần đeo kính gọng hay kính áp tròng.
Cơ chế định hình lại bề mặt giác mạc sẽ giúp làm chậm quá trình dài ra của trục nhãn cầu, hạn chế tăng độ cận. Đây được xem là một trong những phương pháp kiểm soát cận thị ở trẻ em hiệu quả nhất hiện nay.

Sử dụng thuốc nhỏ mắt Atropine nồng độ thấp
Atropine nồng độ thấp (thường là 0.01%, 0.025% hoặc 0.05%) có tác dụng làm thư giãn cơ điều tiết của mắt và tác động lên các thụ thể ở củng mạc, từ đó làm chậm sự dài ra của trục nhãn cầu. Tuy nhiên, thuốc cần được kê đơn và được giám sát chặt chẽ bởi bác sĩ.
4. Phương pháp phẫu thuật loại bỏ hoàn toàn cận thị
Với sự phát triển của công nghệ y khoa hiện đại, các phương pháp phẫu thuật khúc xạ mắt như Femto Pro, CLEAR, SmartsurfACE, hoặc phẫu thuật đặt kính nội nhãn Phakic đã mở ra cơ hội xóa cận hiệu quả, đặc biệt với những người có độ cận cao hoặc không muốn phụ thuộc vào kính lâu dài.
Như vậy, dù cận thị không thể tự giảm độ theo cơ chế tự nhiên, bạn vẫn có nhiều hướng tiếp cận chủ động để bảo vệ và cải thiện thị lực một cách bền vững.
Nhưng không phải ai cũng phù hợp để phẫu thuật khúc xạ, người bệnh cần đáp ứng điều kiện mổ mắt cận và lựa chọn phương pháp mổ mắt cận phù hợp nhất để mang lại hiệu quả thị lực tốt nhất.
5. Một số câu hỏi thường gặp
5.1. Có cách giảm cận thị 1-2 độ không cần phẫu thuật không?
Không có. Khi nhãn cầu bị kéo dài, nó sẽ không thể được cải thiện hay quay trở lại hình dạng ban đầu được nữa. Bạn chỉ có thể thực hiện các biện pháp kiểm soát tiến triển cận thị, sao cho độ cận tăng thấp nhất có thể.
5.2. Trung bình một năm tăng bao nhiêu độ cận?
Tùy vào lối sống và thói quen sinh hoạt mà mức độ tăng độ cận ở mỗi người sẽ khác nhau, cận thị thường tiến triển rất nhanh ở trẻ em và sẽ ổn định sau 18 tuổi. Trong điều kiện chăm sóc mắt tốt, mỗi năm tăng 0,25 – 0,5 độ được xem là kiểm soát tăng độ cận thành công.
Hy vọng bài viết trên sẽ giúp bạn giải đáp hết các thắc mắc liệu cận thị có giảm độ được không? Không có cách giảm bớt độ cận một cách tự nhiên, bạn chỉ có thể kiểm soát tăng độ cận hoặc loại bỏ hoàn toàn cận thị bằng cách can thiệp phẫu thuật.
Mỗi phương pháp có ưu và nhược điểm riêng, bác sĩ sẽ dựa vào độ tuổi, mức độ cận thị, lối sống và tình trạng mắt của bạn để tư vấn phương pháp phù hợp nhất., việc khám mắt định kỳ 6 tháng/lần là cực kỳ quan trọng để bác sĩ theo dõi tốc độ tăng độ và điều chỉnh phương pháp điều trị nếu cần.
Nếu bạn đang tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề liên quan đến tật khúc xạ, các bệnh lý về mắt hay muốn được tư vấn và đặt lịch khám cùng đội ngũ bác sĩ nhãn khoa giàu kinh nghiệm, vui lòng liên hệ với chúng tôi:
BỆNH VIỆN MẮT SÀI GÒN BIÊN HÒA
- Hotline: 0846 403 403
- Địa chỉ: 1403 Nguyễn Ái Quốc, Khu Phố 11, Phường Tam Hiệp, Tỉnh Đồng Nai
Nguồn tham khảo:
1. https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S0161642016000257