Hệ thống
bệnh viện
Hotline
0846 403 403
Chat
Messenger
Ưu đãi
Thời gian làm việc
Thứ Hai – Thứ Bảy: 7:30 – 16:30

Cận thị: nguyên nhân, dấu hiệu và cách phòng ngừa

Hiện nay, tình trạng thị lực suy giảm do cận thị ngày càng phổ biến ở nhiều lứa tuổi, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống, học tập và công việc. Để giúp người đọc hiểu rõ nguyên nhân, nhận biết sớm các dấu hiệu cảnh báo và tiếp cận phương pháp điều trị tiên tiến, Bệnh viện Mắt Sài Gòn Biên Hòa sẽ mang đến góc nhìn toàn diện về cận thị.

can-thi

1. Cận thị là gì?

Cận thị là một rối loạn khúc xạ phổ biến của mắt. Đây là tình trạng khi mắt không thể nhìn rõ các vật ở khoảng cách xa. Hình ảnh hội tụ trước võng mạc thay vì chính xác trên võng mạc, khiến hình ảnh trở nên mờ. Người gặp tình trạng này thường phải nheo mắt hoặc tiến gần để nhìn rõ vật.

Tình trạng này xuất hiện ở mọi lứa tuổi. Trẻ em có thể phát triển từ khi còn nhỏ. Người lớn có thể bị khi làm việc nhiều với máy tính hoặc các thiết bị điện tử. Mức độ nghiêm trọng có thể tăng dần theo thời gian nếu không được can thiệp kịp thời. Đây không chỉ là vấn đề về thị lực mà còn ảnh hưởng đến chất lượng sống và sinh hoạt hàng ngày.

2. Các loại cận thị

2.1. Cận thị đơn thuần (Simple Myopia)

Đây là loại cận thị phổ biến nhất, thường gặp ở trẻ em và thanh thiếu niên trong độ tuổi đi học từ 6 đến 18 tuổi. Độ cận thường dưới 6 diop và có thể kèm theo loạn thị. Nguyên nhân là do mắt phải thường xuyên làm việc ở khoảng cách gần (đọc sách, dùng máy tính), học trong môi trường thiếu sáng, hoặc do di truyền từ cha mẹ. Cận thị đơn thuần phát triển dần đến một mức nào đó rồi chững lại khi bạn trưởng thành.

2.2. Cận thị thứ phát (Induced Myopia Or Acquired Myopia)

Cận thị thứ phát xuất hiện do các nguyên nhân bệnh lý như đục thủy tinh thể, đục giác mạc, hoặc do tác dụng phụ của một số thuốc (ví dụ corticosteroid). Cận thị thứ phát có thể do thay đổi cấu trúc mắt hoặc do nhãn cầu kéo dài bất thường.

2.3. Cận thị giả (Pseudo Myopia)

Cận thị giả là tình trạng suy giảm thị lực nhìn xa tạm thời, xảy ra bởi sự co thắt quá mức của cơ thể mi – bộ phận cơ có chức năng điều tiết giúp mắt tập trung nhìn gần bị co quắp. Cận thị giả thường xảy ra khi mắt làm việc quá tải, căng thẳng hoặc mệt mỏi và có thể phục hồi sau một khi nghỉ ngơi hợp lý. 

2.4. Cận thị thoái hóa (Degenerative Myopia Or Pathological Myopia)

Là dạng cận thị nặng, thường có độ cận trên 6 diop, kèm theo các tổn thương thoái hóa ở võng mạc do nhãn cầu phát triển dài quá mức, gây kéo căng và mỏng võng mạc. Bệnh có thể dẫn đến suy giảm thị lực nghiêm trọng, gây ra các bệnh như thoái hóa võng mạc, bong võng mạc, glôcôm,… hoặc mất thị lực hoàn toàn nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. 

Cận thị thoái hóa thường hiếm gặp nhưng lại thường phát triển từ khi còn nhỏ, vì vậy bố mẹ cần cho con đi kiểm tra mắt thường xuyên để phát hiện sớm.

cac-loai-can-thi
Các loại cận thị phổ biến hiện nay

2. Phân loại các mức độ cận thị

Cận thị được chia thành 4 mức độ chính:

  • Nhẹ (dưới -3.00 diop): Bạn vẫn có thể sinh hoạt bình thường với hỗ trợ từ kính gọng hoặc kính áp tròng.
  • Trung bình (Từ -3.25 đến -6.00 diop): Ở mức độ này, các triệu chứng có thể trở nên nghiêm trọng hơn và ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống.
  • Nặng (Từ -6.25 đến -10.00 diop): Gây khó khăn lớn trong sinh hoạt và có nguy cơ biến chứng về mắt.
  • Cực đoan (Trên -10.25 diop): Mức suy giảm thị lực nghiêm trọng. Nguyên nhân thường là do bẩm sinh, hoặc gặp các vấn đề nghiêm trọng về mắt (bệnh, chấn thương).

3. Dấu hiệu bị cận thị

Việc phát hiện sớm sẽ giúp quá trình điều trị dễ dàng và hiệu quả hơn. Một số dấu hiệu thường gặp bao gồm:

  • Nheo mắt khi nhìn xa.
  • Nhìn không rõ các vật ở khoảng cách xa.
  • Thường xuyên dụi mắt, mỏi mắt hoặc đau đầu.
  • Phải tiến sát sách vở hoặc màn hình để nhìn rõ.
  • Kết quả học tập giảm sút do không thấy rõ bảng.
  • Tăng độ thường xuyên khi đo khám mắt định kỳ.

Nếu xuất hiện các biểu hiện trên, cần đưa người bệnh đi khám mắt càng sớm càng tốt.

4. Nguyên nhân gây cận thị

  • Do trục nhãn cầu dài hơn bình thường: Khi trục nhãn cầu bị kéo dài quá mức, hình ảnh từ vật thể ở xa hội tụ trước võng mạc thay vì trên võng mạc, khiến người bệnh nhìn xa bị mờ.
  • Giác mạc hoặc thể thủy tinh có độ cong quá lớn: Sự thay đổi cấu trúc giác mạc hoặc thủy tinh thể làm ánh sáng hội tụ sai vị trí, gây cận thị.
  • Di truyền: Chiếm khoảng 30% nguyên nhân gây cận thị. Cận thị có thể di truyền từ cha mẹ sang con cái. Nếu cả cha và mẹ đều bị cận thị thì nguy cơ di truyền cho con sẽ cao hơn.
  • Môi trường và thói quen sinh hoạt: Làm việc, học tập trong môi trường thiếu ánh sáng, tiếp xúc nhiều với màn hình máy tính, điện thoại, đọc sách hoặc làm việc gần mắt trong thời gian dài, tư thế ngồi không đúng cũng góp phần làm tăng nguy cơ cận thị.
  • Thiếu thời gian hoạt động ngoài trời: Trẻ em ít ra ngoài trời có nguy cơ cận thị cao hơn do ánh sáng tự nhiên và hoạt động vận động ngoài trời có tác dụng bảo vệ mắt.
nguyen-nhan-gay-can-thi
Nguyên nhân gây ra cận thị hiện nay

5. Cận thị có chữa được không?

Cận thị có thể chữa được hoàn toàn bằng cách phẫu thuật khúc xạ mắt. Tuy nhiên, trẻ em dưới 18 tuổi chưa thể thực hiện được mà chỉ có thể kiểm soát tăng độ cận bằng cách sử dụng kính gọng hoặc kính áp tròng. Dưới đây là các phương pháp điều trị cận thị phổ biến hiện nay:

5.1. Đeo kính gọng

Đây là phương pháp cực kì đơn giản và phổ biến để cải thiện thị lực, người bị cận thường sẽ sử dụng thấu kính phân kỳ. Tuy nhiên, kính gọng lại mang đến nhiều bất tiện cho người dùng như: tầm nhìn bị hạn chế khi trời mưa, mất thẩm mỹ, vướng víu với các hoạt động thể thao mạnh. Bênh cạnh đó, kính gọng cũng chỉ là giải pháp tạm thời, độ cận của bạn vẫn sẽ tăng và cần thay kính mới khi tăng độ.

5.2. Kính áp tròng

Là giải pháp giải quyết các vấn đề về thẩm mỹ, vận động của kính gọng. Tuy nhiên, kính áp tròng mềm cũng chỉ là giải pháp tạm thời và có thể gây khô mắt, dị ứng nếu mắt nhạy cảm, gây viêm nhiễm nếu không vệ sinh đúng cách.

5.3. Kính áp tròng Ortho-K

Kính Ortho-K (orthokeratology) là kính áp tròng cứng thấm khí, được thiết kế đeo ban đêm để định hình lại giác mạc tạm thời. Vào ban ngày, người dùng có thể tháo kính nhưng vẫn nhìn rõ mà không cần bất kỳ biện pháp nào hỗ trợ. 

Kính áp tròng Ortho-K được dùng phổ biến trong việc kiểm soát tiến triển cận thị ở trẻ, đặc biệt đối với trẻ cận thị bẩm sinh có độ cận tăng rất nhanh. Tuy nhiên, khi ngừng sử dụng, giác mạc sẽ dần trở về hình dạng cong tự nhiên ban đầu, do đó không thể điều chỉnh hoàn toàn tật khúc xạ cận thị.

5.4. Phẫu thuật khúc xạ

Với những ai mong muốn thoát cận hoàn toàn, phẫu thuật khúc xạ là giải pháp tối ưu. Các phương pháp hiện đại như Femto Pro, phẫu thuật CLEAR, SmartsurfACE hay Phakic đều có thể điều chỉnh độ khúc xạ, mang lại tầm nhìn rõ ràng lâu dài mà không cần phụ thuộc vào kính. 

Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ điều kiện để thực hiện, vì vậy khám mắt định kỳ và được tư vấn bởi bác sĩ chuyên khoa là điều quan trọng trước khi lựa chọn.

phau-thuat-xoa-can
Phẫu thuật khúc xạ

6. Cách phòng tránh cận thị hiệu quả

Mắt là bộ phận dễ tổn thương nhưng lại thường bị lãng quên. Chủ động chăm sóc từ sớm sẽ mang lại lợi ích thị lực lâu dài.  Không cần những biện pháp quá phức tạp, chỉ cần duy trì một số thói quen dưới đây, bạn đã có thể bảo vệ đôi mắt mỗi ngày.

1. Cân đối thời gian làm việc và nghỉ ngơi cho mắt

Khi tập trung nhìn vào màn hình quá lâu, mắt buộc phải điều tiết liên tục. Việc này dễ dẫn đến khô, nhức và giảm khả năng nhìn rõ. Theo nguyên tắc 20-20-20, cứ sau 20 phút sử dụng thiết bị điện tử, hãy dành 20 giây nhìn vào một điểm cách xa khoảng 6 mét để mắt được thư giãn tự nhiên.

2. Hạn chế môi trường thiếu sáng

Ánh sáng đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết và duy trì thị lực. Làm việc trong môi trường thiếu sáng hoặc ánh sáng chói trực tiếp vào mắt đều có thể gây tổn thương lâu dài. Không gian học tập, làm việc lý tưởng là nơi có ánh sáng dịu nhẹ, phân bố đều và tránh ánh sáng phản chiếu từ màn hình.

3. Bảo vệ mắt khi tiếp xúc với tia UV

Tia cực tím (UV) là “kẻ thù âm thầm” của thị lực. Việc sử dụng kính râm đạt chuẩn khi ra nắng không chỉ là vấn đề thời trang mà còn là cách hiệu quả để bảo vệ giác mạc và võng mạc khỏi tổn thương do tia UV.

4. Dinh dưỡng hợp lý – nền tảng cho mắt sáng khỏe

Một chế độ ăn giàu dưỡng chất không chỉ tốt cho cơ thể mà còn trực tiếp nuôi dưỡng đôi mắt. Các loại rau xanh đậm như cải bó xôi, súp lơ xanh chứa nhiều lutein – hợp chất giúp lọc ánh sáng xanh và bảo vệ võng mạc. Các loại cá béo như cá hồi, cá thu giàu omega-3 hỗ trợ màng tế bào mắt. Bên cạnh đó, vitamin A, C, E, kẽm và beta-caroten cũng đóng vai trò không thể thiếu trong việc duy trì thị lực khỏe mạnh.

5. Giới hạn thời gian tiếp xúc với thiết bị số

Mắt không được thiết kế để làm việc liên tục trên màn hình. Đối với trẻ em, việc kiểm soát thời gian sử dụng điện thoại, máy tính bảng là cần thiết để tránh các tác động tiêu cực đến quá trình phát triển thị lực. Người lớn cũng nên tạo khoảng nghỉ phù hợp và ưu tiên các hoạt động ngoài trời.

6. Khám mắt định kỳ 6 tháng/lần

Dù không có biểu hiện rõ ràng, mắt vẫn có thể âm thầm chịu tổn thương. Việc kiểm tra thị lực định kỳ 6 tháng/lần giúp phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường và can thiệp kịp thời trước khi tình trạng tiến triển nặng hơn.

Nếu bạn đang băn khoăn về thị lực của mình, hãy đến Bệnh viện Mắt Sài Gòn Biên Hòa để được thăm khám chuyên sâu và nhận hướng dẫn chăm sóc phù hợp từ chuyên gia.

Nếu bạn đang tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề liên quan đến tật khúc xạ, các bệnh lý về mắt hay muốn được tư vấn và đặt lịch khám cùng đội ngũ bác sĩ nhãn khoa giàu kinh nghiệm, vui lòng liên hệ với chúng tôi:

BỆNH VIỆN MẮT SÀI GÒN BIÊN HÒA

  • Hotline: 0846 403 403
  • Địa chỉ: 1403 Nguyễn Ái Quốc, Khu Phố 11, Phường Tam Hiệp , Tỉnh Đồng Nai